Trong Đông y, rau má được ví như “nhân sâm” bởi hàm lượng dinh dưỡng cao và có nhiều công dụng cho sức khỏe.
Theo lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội): Rau má hơi ngọt, vị đắng, tính mát, dùng để thanh nhiệt giải độc, chống nhiễm trùng, chống độc, lợi tiểu. Ngoài ra, các bài thuốc làm từ rau má có công thức chế biến đơn giản, hoàn toàn có thể làm tại nhà để trị một số bệnh thông thường.
1. Chữa chảy máu chân răng, chảy máu cam, thổ huyết, niệu huyết…
Chuẩn bị: 30g rau má, 15g cỏ nhọ nồi, 15g trắc bá diệp. Sao cháy tất cả nguyên liệu, sắc làm thuốc uống.
2. Trị bệnh ho, thuyên giảm tiểu buốt, tiểu gắt:
Chọn rau má tươi, rửa sạch với nước. Giã rau má để lấy thuốc uống. Hoặc bạn có thể dùng rau má để sắc làm thuốc.
3. Giải nhiệt, trị nóng sốt, kinh phong, lở ngứa, mụn nhọt:
Giã một lượng rau má vừa đủ để lấy nước giải nhiệt và trị bệnh. Hoặc dùng để xoa và đắp ngoài vết lở, mụn nhọt.
4. Thuyên giảm chứng bụng xốn xáo, nóng ruột, nhiệt uất sinh nóng rét qua lại, đau bụng dưới, chán ăn:
Rửa sạch rau má. Để rau má khô rồi sắc lấy nước uống.
5. Dùng làm nước giải khát, nước sinh tố:
Chọn rau má tươi, sạch. Nghiền nát rau má để lấy nước cốt hòa với nước dừa xiêm.
6. Trị cảm sốt, nổi mẩn ngứa, kém ăn, nhức đầu, khát nước
Nguyên liệu gồm: 1 nắm rau má, 1 nắm rau sam, 30g sắn dây. Rửa sạch nguyên liệu, đem đi giã. Cho thêm nước sôi, chắt lấy nước uống hoặc dùng để sắc thuốc.
7. Giải độc do ngộ độc nấm độc, thạch tín…
Chuẩn bị: Rau má và rau muống, mỗi loại 250g. Giã nát, hòa hỗn hợp với nước sôi, chắt lấy nước uống.
8. Trị khí hư bạch đới, giảm đau bụng kinh:
Tán bột lượng vừa đủ rau má khô. Uống 2 thìa cà phê vào mỗi buổi sáng giúp trị bệnh hiệu quả.
9. Làm kem, trị vết thương lâu lành:
Dùng rau má để điều chế thành dạng kem, bôi ở chỗ có vết thương.
10. Lợi sữa:
Phụ nữ muốn lợi sữa dùng rau má tươi hoặc ăn rau má luộc. Uống nước rau má cũng có công dụng tương tự.
Lưu ý cách dùng rau má đúng chuẩn
Theo lương y Bùi Đắc Sáng, rau má là thực phẩm lành tính, có hàm lượng dinh dưỡng rất cao. Thế nhưng, không phải vì thế mà chúng ta có thể tùy tiện sử dụng rau má làm món ăn/thuốc chữa bệnh. Đặc biệt, mọi người cần hiểu rõ về cách dùng rau má chuẩn nhất để phòng ngừa sản sinh tác dụng phụ có hại cho sức khỏe:
- Phụ nữ mang thai và cho con bú kiêng ăn rau má để tránh gia tăng nguy cơ sảy thai, ảnh hưởng sức khỏe mẹ và bé.
- Không nên tiêu thụ quá nhiều rau má cùng một lúc để tránh làm tăng lượng đường trong máu. Điều này rất nguy hiểm bởi nó làm mất cân bằng hàm lượng cholesterol, dẫn đến hình thành nhiều bệnh nguy hiểm. Người bệnh tiểu đường càng cần tránh xa rau má để không làm bệnh nặng hơn.
- Tránh lạm dụng rau má để giải nhiệt vì có thể hình thành tác dụng phụ là nhức đầu, thậm chí là mất ý thức thoáng qua.
- Phụ nữ không nên ăn nhiều rau má vì sẽ làm giảm khả năng thụ thai. Vậy nên, chị em đang mong muốn có con cần nên hạn chế dùng nước rau má hay các món ăn từ loại rau này.
Nguồn: Báo Tuổi Trẻ