Theo lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng, rau ngót vị ngọt, tính mát lành, có tác dụng điều hòa nội tạng, bổ ích cơ thể, tăng cường cơ năng tiêu hóa và bài tiết.
Rau ngót là loại rau “quốc dân” của người Việt. Loại rau này có vị thanh mát, chứa nhiều chất dinh dưỡng, phù hợp khẩu vị của nhiều người.
Từ một bó rau ngót, bạn có thể chế biến thành nhiều món như: canh rau ngót nấu với cua, canh rau ngót thịt xay, nước ép rau ngót… đều là những món ăn ngon miệng, giúp làm sáng da, giữ dáng, bổ sung những khoáng chất thiết yếu cho hoạt động thường ngày.
Theo lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội): "Trong Đông y, rau ngót là một loại thảo dược có đặc tính mát, giải nhiệt và đặc biệt là rất lành tính. Lá rau ngót vị ngọt, tính mát lành, có tác dụng điều hòa nội tạng, bổ ích cơ thể, tăng cường cơ năng tiêu hóa và bài tiết".
Ở trong những khu chợ hay trong những siêu thị chuyên bán thực phẩm, không khó để tìm kiếm những bó rau ngót được bày bán khắp nơi với giá chỉ từ 5.000 – 10.000 đồng. Nếu biết tận dụng loại rau bình dân, dễ kiếm này, bạn đã có ngay những món ăn/bài thuốc hiệu quả để phòng bệnh cho cả gia đình.
1. Thanh nhiệt
Không phải tự nhiên mà rau ngót là loại rau được sử dụng nhiều nhất vào mùa hè. Theo lương y Bùi Đắc Sáng, rau ngót được dùng để thanh nhiệt, hạ sốt, trị ho do phế nhiệt. Do đó, một bát canh rau ngót tươi hoặc một cốc nước ép rau ngót chắc chắn sẽ là lựa chọn không thể lý tưởng hơn để giải nhiệt cho những ngày hè oi bức.
2. Chống ho suyễn
Với những người bị cúm, dễ mắc bệnh ho suyễn, một bát canh rau ngót luộc có tính thanh nhiệt, chứa nhiều chất ephedrin là một bài thuốc phòng bệnh hiệu quả. Tuy nhiên, cần lưu ý là phụ nữ đang mang thai tuyệt đối không nên ăn nhiều rau ngót vì trong rau ngót tươi chứa hàm lượng papaverin cao, gây hiện tượng co thắt cơ trơn tử cung, dễ dẫn đến sảy thai.
3. Trị táo bón
Trong Đông Y, rau ngót bổ âm, sinh tân dịch, nhiều chất xơ nên ngăn ngừa được táo bón. Phụ nữ sau sinh dùng rau ngót để bổ âm, sinh tân dịch, bù lại âm và tân dịch mất cùng máu khi sinh.
Vào ngày hè, bạn có thể nấu những món canh rau ngót để hạn chế khả năng mắc bệnh táo bón cho cả nhà. Một số món canh rau ngót ngon, dễ chế biến như: rau ngót nấu thịt lợn băm, rau ngót nấu với mướp hương, rau ngót nấu thịt bò…
4. Trị nhiệt miệng
Trong cuộc sống hàng ngày, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiệt miệng như: làm tổn thương miệng khi đánh răng quá mạnh, vô tình cắn vào má khi nhai, ăn nhiều đồ cay nóng, cơ thể thiết hụt lượng vitamin B12, kẽm hoặc sắt trong thời gian dài…
Nhiệt miệng kéo dài ảnh hưởng đến tâm lý ăn uống, lượng thực phẩm được hấp thu vào bị hạn chế, từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh. Khi nhận thấy dùng thuốc không điều trị được dứt điểm bệnh, bạn có thể dùng rau ngót để điều chế thành thuốc bôi chữa nhiệt miệng, vô cùng hiệu quả.
Cách làm như sau: Lá rau ngót sau khi được rửa sạch thì để cho ráo nước. Cho lá vào máy xay đến nhuyễn rồi lấy phần nước cốt trộn với mật ong, khuấy đều. Bôi hỗn hợp này từ 1-3 ngày, mỗi ngày 2-3 lần thì sẽ điều trị hoàn toàn phần miệng bị nhiệt.
5. Trị chảy máu cam
Nhiều người có thói quen ngoáy mũi hoặc xì mũFi quá mạnh khiến cho các mạch máu nhỏ ở mũi bị vỡ, gây chảy máu. Ngoài ra, nếu bạn là người chảy máu cam thường xuyên thì cũng có thể do một số nguyên nhân như: do nhức đầu, tăng huyết áp, do chế độ ăn uống có chứa nhiều thực phẩm có thể gây chảy máu múi như đồ ăn cay nóng, sô cô la hoặc các chất kích thích.
Nếu bạn thường xuyên ở trong trạng thái lo âu, bực bội hoặc ở vùng có điều kiện khí hậu khô, đó cũng là môi trường lý tưởng để bệnh chảy máu cam phát triển. Bạn có thể xay nhuyễn rau ngót rồi lấy thêm nước và ít đường cho vào phần nước cốt để uống. Bã rau ngót để vào vải và đặt lên mũi sẽ có tác dụng chữa cháy máu cam hiệu quả.
Nguồn: Báo Tuổi Trẻ